Phong Tục Đám Cưới: Những Điều Cần Làm Và Nên Tránh
Đám cưới trong văn hóa Việt là một sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời của không chỉ cô dâu, chú rể mà còn của cả hai gia đình. Việc chuẩn bị đám cưới tươm tất có ý nghĩa rất quan trọng trong phong tục người Việt. Cũng bởi lẽ đó, có rất nhiều phong tục và quy tắc truyền đời mà các cặp đôi cần chú ý và tuân theo khi chuẩn bị cho lễ cưới. Cùng chúng tôi tạm gác lại những quy tắc hiện đại và tìm hiểu những tục lệ quan trọng về điều bạn nên và không nên làm trong ngày trọng đại này.
Những điều bạn nên làm
Xem ngày cưới hỏi
Chọn một ngày tốt để tổ chức cưới hỏi là một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt. Dù ngày nay các gia đình không còn quá khắt khe về việc tuổi tác, phần lớn gia đình đều vẫn rất coi trọng việc chọn ngày lành tháng tốt để dựng vợ gả chồng cho con cái. Dân gian có câu “lấy vợ xem tuổi đàn bà, xây nhà xem tuổi đàn ông”. Nhà gái thường sẽ là bên ra quyết định cuối cùng về ngày đẹp cho ăn hỏi và đám cưới. Hai bạn có thể tác động và định hướng cho gia đình chọn những tháng phù hợp với sở thích và công việc nếu có thể.
Chuẩn bị bàn thờ gia tiên
Lễ gia tiên là phần nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới. Đây là lúc cô dâu được giới thiệu như một phần của gia đình mới. Bởi vậy, hãy chuẩn bị dọn dẹp và trang trí bàn thờ gia tiên thật tươm tất trước ngày đám cưới. Các gia đình đơn giản có thể đặt hoa và trái cây trong khi trang trọng hơn, có gia đình còn nấu mâm cơm cúng để báo cáo tổ tiên. Ở miền Nam, nhiều đám cưới còn bao gồm hẳn một con lợn quay như sính lễ bày ban thờ trong ngày cưới.
Trang trí phòng tân hôn
Phòng tân hôn là một phần không thể thiếu của mọi đám cưới. Đây được coi là khởi đầu của hành trình chung đôi của các cặp đôi. Tùy từng vùng, có rất nhiều quy tắc khác nhau liên quan đến việc trang trí phòng tân hôn như những đồ vật được phép dùng để trang trí, người trải giường, những người được đi vào phòng trước ngày cưới…. Khi có điều kiện, phần lớn các gia đình đều sắm sửa đồ đạc mới cho phòng tân hôn cho cặp đôi mới cưới. Nhiều nơi còn coi việc thăm phòng tân hôn là một hoạt động trong đám cưới cho khách mời thân thiết. Hãy tham khảo kỹ phong tục của mỗi gia đình để không làm trái.
Chọn lựa đội ngũ xin dâu và đón dâu
Hãy chuẩn bị trước những người sẽ tham gia vào đội hình đưa đón dâu của cả hai nhà. Đây là những người đại diện cho cả hai gia đình nên bạn cần phải có sắp xếp cẩn thận. Nhiều gia đình tuân theo những quy tắc cổ truyền như mẹ cô dâu không đi đưa dâu hay mẹ chồng không đón dâu, tránh những người không hợp tuổi…Bên cạnh việc gửi lời mời tới họ hàng thân thiết, bạn cũng nên sắp xếp trước với những người tham gia để không bị rối trong ngày cưới. Hai gia đình cũng nên bàn bạc trước số lượng và chỗ ngồi để có sự chuẩn bị phù hợp nhất.
Những điều bạn nên tránh
Không nên làm đám cưới vào tháng 7 âm lịch
Tháng 7 âm lịch hàng năm được gọi là tháng cô hồn hay tháng Ngâu tùy theo từng vùng. Đây là thời gian mà phần lớn các gia đình tránh tổ chức việc cưới hỏi do quan niệm là một tháng không may mắn, có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc sau này. Nếu bạn muốn xem ngày đẹp cho đám cưới, hầu hết bạn sẽ được khuyến khích tránh tháng 7 âm lịch. Mặc dù quan niệm này đã khá lâu đời, nhiều cặp đôi vẫn có tâm lý “có kiêng có lành” và tránh thời điểm này trong năm.
Kiêng kỵ làm đổ vỡ trong đám cưới
Việc xảy ra đổ vỡ trong đám cưới là khá tối kỵ vì nó được coi là điều không may mắn, có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hôn nhân sau này của cặp đôi. Nhiều người tin rằng nếu trong đám cưới có việc đổ vỡ xảy ra, hai vợ chồng có thể không có hạnh phúc trọn vẹn hoặc tệ hơn, cũng có kết cục tương tự. Tuy đây là một quan niệm đã khá cũ, việc có đổ vỡ trong đám cưới cũng khá bất tiện cho di chuyển và có thể nguy hiểm với khách mời. Do vậy, bạn có thể áp dụng cẩn thận vẫn hơn và hạn chế để xảy ra rơi vỡ đồ đạc trong ngày trọng đại này.
Tránh cưới hỏi khi nhà có tang
Người Việt vốn rất trọng chữ Hiếu, do đó các gia đình có tang thường chờ qua năm mới làm đám cưới. Khi gia đình đang có chuyện buồn, việc tổ chức đám cưới ăn uống linh đình trở nên không phù hợp. Đây là cách để cả hai gia đình thể hiện thái độ tôn trọng đối với người đã mất cũng như chờ ngày lành tháng tốt. Nếu bạn thực sự có lý do bất khả kháng cần tổ chức lễ cưới, hãy giảm tối đa các hoạt động vui chơi giải trí và làm một hôn lễ đơn giản. Bạn cũng có thể chỉ làm các thủ tục hành chính và lễ gia tiên sau đó lùi việc đãi tiệc sang một thời gian khác.