4 Tiêu Chuẩn Kim Cương - Những Điều Bạn Nên Biết Khi Mua Nhẫn Cưới
Sở hữu nhẫn đính hôn và nhẫn cưới kim cương là mơ ước của nhiều cô dâu tương lai. Trong nhiều năm trở lại đây, kim cương là loại đá quý phổ biến nhất trên thị trường nhẫn cưới. Từ nhẫn đính hôn đến nhẫn cưới, những lựa chọn liên quan đến kim cương thường có mức giá khá cao do tính quý hiếm của loại đá quý này. Mua nhẫn cưới kim cương là một quyết định mà bạn nên nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng. Trước khi bạn đầu tư vào bộ trang sức kim cương, hãy cùng xem hướng dẫn cơ bản của chúng tôi về loại đá đắt giá này.
Giấy Chứng Nhận Kim Cương
Cũng như mọi mặt hàng có giá trị khác, ngành công nghiệp đá quý đã đưa ra các nguyên tắc chuẩn hóa để xác định chất lượng của một viên kim cương. Hầu hết kim cương sau khi khai thác sẽ được xử lý bởi các công ty đá quý và sau đó được đánh giá bởi các phòng thí nghiệm độc lập chuyên sâu của bên thứ ba. Kết quả của quá trình này là một chứng chỉ đi kèm với mỗi viên kim cương. Bên cạnh đó, mỗi viên kim cương có kích thước lớn hơn 0.25 carat đều có một mã số riêng biệt. Tất cả các thương hiệu trang sức đáng tin cậy đều có thể cung cấp cho bạn giấy chứng nhận kim cương cũng như soi mã số trên viên đá quý này. Giấy chứng nhận thường bao gồm đánh giá theo thang điểm cho từng hạng mục trong 4 tiêu chuẩn kim cương (4Cs), cùng với các số đo của viên kim cương đó. Đơn vị đánh giá phổ biến nhất và được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu là GIA (Viện Đá quý Hoa Kỳ). Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy báo cáo từ AGS (Hiệp hội Đá quý Hoa Kỳ), IGI (Viện Đá quý Quốc tế), EGL (Phòng thí nghiệm Đá quý Châu Âu), GSI (Gemological Science International) và HRD (Hoge Raad Voor Diamant). Mặc dù mỗi bên định giá có thể sử dụng hệ thống thang điểm hơi khác nhau, họ đều có những tiêu chuẩn và tiêu chí chung.
4 Tiêu Chuẩn Kim Cương (4Cs)
Khi bạn đã cầm trên tay chứng nhận kim cương, câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để đọc các thông số tài liệu đó. 4 tiêu chuẩn kim cương được biết đến là 4C hiển thị trên giấy chứng nhận là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng và giá trị của viên kim cương. Nếu như trọng lượng (Carat) là tiêu chí trực quan nhất, bạn cũng nên chú ý đến những tiêu chuẩn còn lại khi chọn mua nhẫn cưới. Chúng sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng và giá viên kim cương của bạn.
Giác cắt (Cut)
Tiêu chí này đánh giá cách viên kim cương được xử lý từ đá thô đến sản phẩm cuối cùng trên chiếc nhẫn của bạn. Cách thứ viên kim cương được cắt sẽ ảnh hưởng đến sự phản xạ ánh sáng qua các bề mặt và do đó, khiến cho viên kim cương trở nên lấp lánh hơn. Một viên kim cương có đường cắt hoàn hảo sẽ giúp ánh sáng phản chiếu vuông góc tạo ra hiệu ứng lấp lánh đặc trưng. Nếu đường cắt quá nông hoặc quá sâu, ánh sáng không thể phản chiếu tốt và làm giảm hiệu ứng. Việc đánh giá đường cắt được dựa trên các chỉ số đo lường và góc cạnh trên tất cả các bề mặt của viên đá. Thang điểm cho tiêu chí này bắt đầu từ Kém (Poor) cho đến Xuất sắc (Excellent). Nhìn chung, bạn nên chọn những viên kim cương được đánh giá từ Tốt (Good) trở lên.
Màu sắc (Color)
Đây là tiêu chuẩn đánh giá dành riêng cho kim cương trắng, lựa chọn phổ biến cho nhẫn cưới. Những viên kim cương thực sự có màu rất hiếm và được đánh giá theo một hệ thống thang điểm riêng. Màu sắc được nhắc đến trong tiêu chí này không phải những màu sắc đặc biệt mà thiên về tính ngả vàng của viên đá. Thang điểm cho màu sắc của kim cương bắt đầu từ D là điểm cao nhất và giảm dần cho tới Z. Một mẹo để ghi nhớ thang điểm này là giá trị của viên kim cương giảm xuôi chiều với bảng chữ cái. Một viên kim cương được xếp loại D sẽ có giá trị rất cao vì nó hoàn toàn không có màu. Hãy kết hợp tiêu chuẩn màu sắc và kích thước linh hoạt khi bạn chọn mua nhẫn cưới kim cương vì viên kim cương càng lớn, màu sắc sẽ càng rõ ràng. Bởi vậy, nếu bạn mua viên kim cương lớn, bạn nên chọn một viên có điểm đánh giá màu sắc cao hơn viên kim cương nhỏ.
Độ tinh khiết (Clarity)
Do là đá thiên nhiên, kim cương sẽ có thể được tạo thành với những khiếm khuyết bên ngoài (blemish) hoặc bên trong (inclusion). Một viên kim cương càng ít khiếm khuyết sẽ có độ tinh khiết càng cao. Trên thực tế, ngoại trừ những điểm quá rõ ràng có thể nhìn bằng mắt thường, bạn sẽ khó có thể nhận ra những khiếm khuyết nhỏ trên đá quý trừ khi được soi trên máy. Bởi vậy, hãy lựa chọn những chiếc nhẫn cưới phù hợp với ngân sách của mình. Mức an toàn cho tiêu chuẩn độ tinh khiết trên thang điểm của GIA là SI (slightly included) hay có một chút khiếm khuyết.
Trọng lượng (Carat)
Trọng lượng viên kim cương là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến giá thành của chiếc nhẫn cưới bạn của bạn. Viên kim cương càng nặng, giá trị của nó càng cao. Tuy nhiên, viên kim cương lớn nhất chưa chắc đã là viên kim cương đẹp nhất. Một viên đá lớn sẽ dễ dàng làm lộ ra các khiếm khuyết cũng như giác cắt lỗi hơn so với viên đã nhỏ.
Mẹo mua sắm cho các cặp đôi
- Cân bằng 4 tiêu chuẩn kim cương:
Thay vì chăm chăm chọn mua chiếc nhẫn cưới với trọng lượng to nhất, bạn nên cân bằng ngân sách của mình để có các tiêu chuẩn đồng đều hơn. Bạn có thể lựa chọn đầu tư vào chọn giác cắt tốt và độ tinh khiết cao với một viên đá vừa phải. - Chú ý đến kích thước nhẫn:
Cùng một viên đá sẽ có những hiệu ứng khác nhau trên những kích thước nhẫn cưới khác nhau. Ví dụ: nếu tay bạn khoảng cỡ 6, một viên đá 1.5 carat trông sẽ nổi bật nhưng bạn có thể sẽ cần viên kim cương lớn hơn cho ngón tay lớn hơn. - Đừng quên chọn hình dáng:
Bên cạnh trọng lượng, một trong những tiêu chí mà nhiều cặp đôi lựa chọn là hình dáng viên kim cương. Có rất nhiều hình dáng khác nhau cho bạn lựa chọn từ đơn giản như tròn cho đến những hình dáng đặc biệt như hình trái tim. Một số hình dáng sẽ che các khuyết điểm tốt hơn. Bởi vậy, đây cũng là một yếu tố đáng cân nhắc khi chọn mua nhẫn cưới.